Hà Nội: Những điểm đến kỳ nghỉ 2/9 ngay nội đô đừng bỏ qua

Hà Nội: Những điểm đến kỳ nghỉ 2/9 ngay nội đô đừng bỏ qua

Hà Nội sở hữu rất nhiều điểm du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú như di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, những làng nghề truyền thống cùng những cảnh quan mang giá trị riêng như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… Chính vì vậy, điểm du lịch tại Hà Nội luôn thu hút du khách bởi vẻ đẹp trầm mặc, thanh lịch, xứng đáng trở thành điểm đến kỳ nghỉ 2/9 đáng kỳ vọng.

Hà Nội, Thủ đô lịch sử nghìn năm văn hiến, nơi những con phố cổ nằm sâu trong lòng Thủ đô, những con đường mùa Thu đầy lá, không khí lạnh giá mà ngọt ngào của ngày Đông luôn khiến người ta xao xuyến bởi những điểm đến hấp dẫn… 

Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc di tích lịch sử văn hóa hàng đầu của Thủ đô và cả nước, được xây dựng năm Canh Tuất, tháng Tám, niên hiệu Thần Võ thứ hai đời vua Lý Thánh Tông, trên hòn đảo lớn của Đại hồ phía Nam Hoàng thành, thuộc đất của hai phường Cổ Giám và Văn Chương. Nay nằm trên phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.

 

Theo trang Wikidulich khai thác từ tư liệu lịch sử, năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa tế tự và cho Hoàng thái tử đến học. Năm 1076, triều đình lại cho lập Quốc Tử Giám. Năm 1253 (đời Trần), đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử viện. Đến đời Lê (năm 1483), đổi tên Quốc Tử viện thành Thái Học đường. Thời Nguyễn, khu vực này được đổi thành Văn Miếu Hà Nội.

 

Trong lịch sử, di tích là nơi thờ Thánh Nho (Khổng Tử), Chu Công, tứ phối, thất thập nhị hiền, Chu Văn An và là trường Quốc Học đào tạo trí thức Nho học của nước ta từ thời Lý đến thời Lê; đồng thời cũng là nơi dựng bia “đề danh” (hiện còn 82 bia) những tiến sĩ đã đỗ đạt trong các kỳ thi tiến sĩ từ thời Lý đến thời Lê, trong đó có nhiều danh nhân trong lịch sử nước ta.

 

Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô; 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch nghỉ lễ 2/9 tiết kiệm, bạn biết chưa?

Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô, của Việt Nam, mà nó đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại. Trong những năm qua, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu di tích tâm linh, biểu tượng của trí tuệ, truyền thống hiếu học đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, tạo nhiều điều kiện để trở thành một di tích, địa chỉ thu hút, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc, nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng, nơi tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học. Cũng tại đây, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hay trước mỗi kỳ thi, các sĩ tử thường đến xin chữ đầu Xuân của các ông đồ và cầu may trong thi cử, học hành.

Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, có những đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển về mọi mặt của Thủ đô cũng như của cả nước. Từ năm 1962, di tích đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng quốc gia và đến nay là Di tích Quốc gia đặc biệt. Mới đây, UBND Tp. Hà Nội đã ban hành quyết định số 3474/QĐ-UBND về việc công nhận di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm du lịch cấp thành phố. Đây là cơ hội để di tích phát huy thêm những giá trị mà mình đang có, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp xu hướng.

(Còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *