Dạo bước Tam Đảo, chốn bồng lai giữa lòng nhân gian

Đến với Tam Đảo, Vĩnh Phúc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp làm say lòng người và tận hưởng không khí trong lành.

Miền cổ tích Tây Thiên

Từ bao đời nay, Tây Thiên luôn là nơi có sức hút đối với du khách hành hương về bái Phật, bởi đây là một vùng non nước tuyệt đẹp lại là nơi giao thoa của văn hoá đạo Phật với đạo thờ Mẫu của người Việt. Trải qua nhiều thế kỷ, Tây Thiên vẫn lưu giữ nguyên vẹn bao cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, cổ xưa với rừng Tây Thiên có những cây thông đến ngàn năm tuổi.

Khu danh thắng Tây Thiên nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo. Tương truyền, vua Hùng thứ 6 tên là Hùng Chiêu Vương lên chùa Thiên Ân (trên đỉnh núi Tam Đảo) để cầu tự khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu cùng bà kết mối lương duyên trăm năm. Sau đó ngài Khương Tăng Hội – một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, chiêm ngưỡng cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật.

Bước vào khu di tích, du khách bắt gặp cây đa chín cội ngả bóng mát xuống Hữu Huyền cung (nhân dân vẫn quen gọi là đền Thõng). Phía sau là dòng suối Giải Oan (còn gọi là Bát Nhã tuyền). Tới đây du khách có thể men theo những bờ suối róc rách với dòng nước trong vắt để đến với những địa danh đã nổi tiếng từ lâu như: Bãi đá Liền, thác chòi Tre, thác Bạc, đền Giải Oan, đền Cô, đền Cậu, đền Thượng Tây Thiên, đầm Sen, ao Dứa, núi Rùng Rình…

Đặc biệt, theo kinh nghiệm từ trang Wikidulich, du khách Tây Thiên sẽ không thể bỏ qua đền thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu. Tương truyền, bà sinh ra từ linh khí núi cao, rừng thẳm vùng Tam Đảo tụ lại mà thành. Bà là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, đã giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước nên được người dân dựng đền thờ. Ngược lên phía đỉnh Tây Thiên ta sẽ tới chùa Đồng Cổ, đúc toàn bằng đồng tốt. Trong chùa thờ hai tượng Phật, cho tới nay niên đại và lai lịch về hai pho tượng này vẫn là một bí ẩn mà các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm ra lời giải.

Năm 2004, ngày chính hội Tây Thiên 12-2 ÂL (tức ngày 1-4-2004) các nhà sư ở đây cùng với các hòa thượng ở Thiền viện Đà Lạt đã cùng đặt những viên đá đầu tiên tiến hành khởi công xây dựng khu thiền viện lớn nhất Việt Nam với tổng kinh phí lên đến hơn 30 tỷ đồng do các tăng ni, phật tử trong và ngoài nước đóng góp. Khi làm lễ khởi công, trên nền ngôi chùa cổ các nhà sư đã tìm được vô số các viên gạch và mảnh ngói vỡ có hoa văn mang dấu ấn của thời Trần.

Ngày nay, khu di tích đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên là biểu trưng cho tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt cổ, nằm trên đỉnh núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo mới được xây dựng lại trên nền 5 ngôi đền lớn, còn sót lại từ đời Lê (thế kỉ thứ XVI, XVII).

Chốn Tây Thiên vẫn bồng bềnh mây giăng, sương phủ như trong truyện cổ tích. Hành trình lên đỉnh Tây Thiên quanh năm rộn bước chân của những khách hành hương tìm về đất Phật chiêm bái Quốc Mẫu Tây Thiên. Du khách tìm về đây như tìm về một phần cội nguồn lịch sử dựng, giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Tam Đảo trong sương mờ

Danh xưng Tam Đảo hẳn đã quá quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam. Nhưng không ít người biết rằng, cái tên Tam Đảo hình thành là do 3 ngọn núi cao Thạch Bàn, Thiên Thị và Phú Nghĩa nhô lên trên biển mây hợp lại. Tới những năm đầu thế kỷ 19, khu nghỉ mát Tam Ðảo được người Pháp phát hiện, xây dựng theo mô hình nghỉ dưỡng.

Ðến năm 1940, Tam Ðảo đã là một “đô thị” trên núi cao với 145 tòa nhà, biệt thự theo kiến trúc Tây Phương diễm lệ, lộng lẫy. Trong số này, 60 biệt thự với kiến trúc theo nhiều kiểu cách khác nhau. Hiện nay, những tòa biệt thự ngày xưa chỉ còn là phế tích trong hoang tàn, đổ nát, trơ ra những móng, tường, công trình ngầm nằm lẫn với cỏ cây, rêu phong, nắng mưa… do chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Nhà thờ Tam Đảo được xây dựng vào năm 1937 theo lối kiến trúc Pháp là một địa điểm thú vị với những ai yêu nét đẹp của kiến trúc cổ, là công trình kiến trúc duy nhất được bảo toàn.

Thiên nhiên đã ban tặng Tam Đảo cảnh sắc tuyệt vời, vừa thơ mộng vừa như u tịch nhưng hết sức hùng vĩ trong cảnh mây gió, sương khói vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những thảm cỏ, những ngôi nhà ven sườn núi. Thế nên, Tam Đảo là nơi lý tưởng để du khách nghỉ dưỡng dịp cuối tuần sau một tuần làm việc vất vả. Không khí trong mẻ, mát lành của Tam Đảo gợi cho du khách cảm giác êm ả, thướt tha đến mê hồn.

Ngược ngàn chúng ta có thể hoà mình vào tự nhiên, mặc sức khám phá thiên nhiên trên đường lên đỉnh Thiên Nhị. Ðường đi lên tuy vất vả, nhưng không kém lãng mạn, nên thơ. Dọc đường lên là những dải hoa phong lan, hoa cúc quỳ và các loài hoa dại không tên khác nở đầy lối đi, tỏa hương thơm lạ, màu sắc rực rỡ…

Từ trung tâm thị trấn Tam Đảo, rẽ phải theo lối mòn, hút xuống thung lũng sâu, lách mình qua những lối đi trập trùng hoa cỏ, trúc tre, du khách sẽ đến với Thác Bạc. Dòng thác như ánh bạc giấu mình trong núi, bí ẩn đổ xuống thung lũng một dòng nước trắng loà màu bạc óng, lóng lánh ánh mặt trời phản chiếu sắc cầu vồng. Chúng ta sẽ nghe thấy trong gió có tiếng suối, tiếng rừng, tiếng lá dội vào vách đá nghe thâm u như tiếng ngàn xưa…

Ngày nay, cùng với dự án xây dựng khu du lịch Tam Đảo II, hệ thống cáp treo từ thị trấn Tam Đảo sang khu Rùng Rình, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên và hệ thống các đền, chùa Tây Thiên hứa hẹn một loại hình du lịch mới sẽ phát triển ở đây là du lịch tâm linh. Sự kiến thiết nhân tạo này không những không phá đi nét hoang sơ, cổ tích của Tây Thiên và Tam Đảo mà còn làm tăng thêm sự hấp dẫn và sự trải nghiệm mới tới du khách thập phương có duyên tìm về với miền đất Tây Thiên, Tam Đảo.

Xem thêm: Ăn gì ở Đà Nẵng? Điểm danh 5 ngôi chợ vàng trong làng ẩm thực

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *